Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhà nhà sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn Ông Táo về trời và nhờ ông báo cáo điều tốt để cầu cho gia đình được bình an may mắn trong năm tới; mọi chuyện hay dở tốt xấu trong năm sẽ được Ông Táo trình với Ngọc Hoàng nên mọi người đều tâm niệm luôn làm điều tốt đẹp trong năm! Cúng Ông Táo về trời là một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam được lưu truyền bao đời nay.
Câu chuyện Táo Quân
Theo tích ngày xưa với tên “2 ông 1 bà”, người Việt truyền rằng Thị Nhi có một người chồng là Trọng Cao; tuy tha thiết yêu thương nhưng mãi không có nổi một mụn con. Vì vậy tình cảm có phần vơi bớt và Trọng Cao hay kiếm chuyện dằn vặt Thị Nhi. Bữa nọ chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao làm to chuyện; đuổi vợ ra khỏi nhà. Nhi bỏ nhà ra đi; sau đó gặp Phạm Lang và kết duyên vợ chồng. Trọng Cao sau khi nguôi giận, cảm thấy hối lỗi, day dứt nhớ thương lên đường tìm vợ. Tiền bạc đem theo hết dần, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường và tình cờ vào xin đúng nhà Thị Nhi và nàng ngay lập tức nhận ra chồng cũ. Nhân lúc Phạm Lăng đi vắng, Nhi mời Trọng Cao vào nhà ăn cơm. Đúng lúc đó Phạm Lang trở về; vì sợ chồng nghi oan, Nhi giấu Cao dưới đống rạ. Chẳng may, Pham Lang nổi lửa đốt đống rạ để làm tro; thấy lửa ngùn ngụt, Nhi lao vào cứu Cao. Thấy vợ nhảy vào đống lửa, Phạm Lang cũng lao theo. Cả 3 đều mất trong đám lửa.
Trời thấy 3 người sống tình nghĩa nên phong cho làm Táo quân (vua bếp), giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn đầm ấm hạnh phúc; và giao cho người chồng mới là trông coi việc bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông mon việc nhà và người vợ là Thổ Kỳ coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Phong tục cúng Ông Táo
Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên trời báo cáo việc tốt hay chưa tốt của gia chủ trong năm để Ngọc Hoàng thưởng phạt phân minh. Vì vậy với mong muốn Thần Bếp sẽ „phù hộ“ cho gia đình mình được nhiều may mắn, hàng năm người ta làm lễ tiễn ông Táo về trời một cách long trọng. Những phong tục trong việc Cúng Ông Táo mà bất cứ người Việt nào cũng nên biết:
- Khi cúng ông Táo nên bật bếp để cháy rực mong quanh năm no ấm.
- Chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép còn sống, thả trong chậu nước. Sau khi cúng, cá sẽ được phóng sinh để đưa ông Táo về trời. Trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng nên có thể bay lên được. chưa kể dân gian vẫn tương truyền sự tích “Cá chép hóa rồng”; mang ý nghĩa của sự thăng hoa; biểu tượng của sự kiên trì, vượt khó, hướng đến thành công và kết quả tốt đẹp. Vì vậy chỉ có cá chép mới có đủ năng lực để đưa ông Táo chầu trời.
- Tùy theo từng gia cảnh, người ta thường cúng lễ mặn (với xôi gà, thịt luộc, các món xào thập cẩm, canh nấm, măng…) hay lễ chay (với hoa, quả, chè trôi nước, thèo lèo cứt chuột – món kẹo làm từ mè đen và đậu phộng) để tiễn Táo Quân.
- Thời gian để cúng ông Táo có thể vào trưa hay tối ngày 22 tháng Chạp hoặc trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để ông Táo bay về trời. Trong nghiên cứu thiên văn, ngày 23 tháng Chạp là ngày 3 hành tinh Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất ở trên một mặt phẳng quỹ đạo, dân gian cho rằng “cổng trời đã mở”, là lúc thuận lợi để ông Táo về trời.