Những quan niệm khác nhau về món ăn mang lại may mắn suốt năm đường như không bao giờ thay đổi. Tất cả mong ước về một năm mới hoàn mỹ, ấm cúng, hạnh phúc được nâng niu cùng những món ăn khi xuân về trong từng gia đình. Cùng khám phá những món ăn hấp dẫn này nhé.
Xôi gấc
Người Việt vẫn quan niệm màu đỏ là màu của mùa xuân, biểu trưng của may mắn tốt lành vì vậy xôi gấc với màu đỏ tự nhiên luôn là sự lựa chọn cho mâm cỗ ngày Tết. Đây là món ăn được chuẩn bị với niềm tin là sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi trong năm mới.

Màu đỏ trong xôi gấc với niềm tin là sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi trong năm mới. (Nguồn: Phununews.vn)
Món xôi lạ miệng chứa đựng đủ vị bùi, béo thơm mùi tự nhiện từ quả gấc đỏ tươi vừa đủ độ chín và độ dẻo từ những hạt lúa nếp được chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc lựa gấc, ngâm gạo đến việc đồ xôi. Gạo nếp hạt tròn ngâm trước 1 đêm cho nở đều; trộn đều cùng phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả đã bóp rượu của quả gấc; đem hấp cách thủy hoặc nấu bằng nồi cơm điện. Khi gần chín có thể cho ít muối hoặc dầu ăn cho vị của món xôi gấc thêm đậm đà. Nồi xôi nghi ngút mùi thơm từ gạo, từ gấc khi vừa chín tới cùng màu đỏ rực của từng hạt xôi dẻo mềm được nhắc xuống, đơm một dĩa tròn đầy đặt lên mâm cơm ngày tết tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới.
Gà luộc
Món gà luộc vàng ươm thơm ngon đẹp mắt luôn có một vị trí quan trọng trong bất cứ mâm cỗ nào trên khắp vùng miền ở mọi dịp trọng đại và trong mâm cỗ Tết. Bí quyết để có được một dĩa thịt gà ngon, nhất là gà mẹt đẹp mắt với màu da vàng óng căng mượt chính là luộc gà trong nước sôi lăn tăn không sủi bọt và khi gà vừa chín tới, vớt ra ngay và ngâm vào thau nước lạnh. Để làm thơm nồi nước luộc gà, nhớ nướng sơ một củ hành và bỏ vào luộc cùng nhé!
Dưa hấu
Dưa hấu tròn trịa viên mãn cùng với sắc đỏ biểu trưng cho sự cát tường đầu năm sẽ đem lại may mắn cho gia đình là món không thể thiếu trong năm mới.
Canh khổ qua
Đây là món ăn đặc biệt của người miền Nam trong năm mới với ý nghĩa mọi nỗi khổ sẽ qua đi để đón một năm mới hạnh phúc an lành. Món canh khổ qua dồn cá thác lác rất ngon và lạ miệng cho một mùa tết nạp nhìu chả và thịt đó nha.
Mứt
Sự ngọt ngào trong năm mới sẽ đến cùng những món tráng miệng thơm phức; đây là món rất được trẻ em yêu thích nên nhớ chuẩn bị kha khá một chút để các bé vui nhé!
Những loại mứt hoa quả làm từ màu rau củ tự nhiên (màu tím của lá cẩm, màu vàng của nghệ hay chanh leo, màu xanh của lá dứa, màu cam của gấc, màu nâu của bột ca cao) vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe là những món ăn không thể thiếu được trong mỗi gia đình dịp Tết Nguyên Đán. Khay mứt ngày tết luôn được nhâm nhi (tiêu thụ) nhiệt tình nhờ hương vị bùi, béo, thơm ngon, vị ngọt còn đọng mãi đầu lưỡi và mùi thơm nhẹ phảng phất đầy lưu luyến.
Bánh chưng bánh tét
Bánh chưng – món ăn có bề dày lịch sử, đã trở nên quen thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt trong những dịp lễ tết. Với nguyên liệu đơn giản từ nếp ngon, thịt ba chỉ, đậu xanh, lá dong, thêm ít hạt tiêu và gia vị; những chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon ra đời cùng vị béo từ thịt, vị bùi của đậu xanh và dẻo thơm của nếp mới. Người miền Bắc thường thưởng thức bánh chưng cùng dưa hành với vị chua dịu và giòn giòn giúp không bị ngán hay quá nóng do ăn nhiều đồ nếp. Bởi vậy có câu “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”… Người miền Trung lại phong phú hơn với món dưa góp đầy đủ vị ngọt ngọt mặn mặn, hoặc đôi khi chỉ là chén nước mắm hay nước tương thêm vài lát ớt. Đối với người miền Nam, chiếc bánh chưng cũng là món không thể thiếu dịp Tết, có thể ăn cùng với dưa món, thịt kho tàu, củ kiệu muối chua hay ngâm với giấm pha chút đường có vị ngọt dịu.
Tương tự bánh chưng là chiếc bánh tét tròn dài với nguyên liệu như bánh chưng và thường được cắt khoanh và bày trên mâm cơm trong những ngày tết. Sau Tết, nếu nhà nào vẫn còn bánh chưng và bánh tét, có thể chiên giòn chấm mắm, ăn với củ kiệu chua, hoặc kẹp với bánh tráng ăn cũng rất ngon. Càng nhiều ý nghĩa hơn cho 2 món bánh truyền thống khi mỗi gia đình quây quần gói bánh cùng nhau, ngồi canh nồi bánh chưng bánh tét hàn huyên suốt đêm mới đúng „vị“ Tết.